Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Lên "kịch bản" lừa, đại gia Sài Gòn ẵm hơn 400 tỷ của ngân hàng| Luật BRAVOLAW


(ĐSPL) - Làm ăn thua lỗ, Long lên "kịch bản" để vay hơn 400 tỷ đồng của nhiều ngân hàng rồi chiếm đoạt.

Theo báo Vietnamnet, ngày 23/11, TAND TP.HCM đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” do bị cáo Lê Thanh Long (SN 1978, Lâm Đồng) cùng đồng phạm thực hiện. Bốn ngân hàng là nguyên đơn dân sự trong vụ án đã bị thiệt hại hơn 420 tỉ đồng.

Lên Phóng to

Bị cáo Long (áo xanh) trước vành móng ngựa - Ảnh: báo Vietnamnet

Báo Vnexpress thông tin, năm 2004 Long thành lập Công ty Long Quân kinh doanh dịch vụ viễn thông, mua bán điện thoại, thẻ cào... ở thành phố Cần Thơ. Sau 20 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, Long nâng vốn điều lệ lên 26 tỷ đồng - chủ yếu vay của ngân hàng và người ngoài.

Quá trình điều hành công ty, Long thường chỉ đạo nhân viên bán hàng dưới vốn để thu được tiền ngay, sau đó đem đầu tư bất động sản, xe hơi, cổ phiếu và mở rộng chi nhánh.

Ba năm sau, công ty mất khả năng trả nợ ngân hàng. Long chỉ đạo kế toán trưởng Lê Hiền Nhân (46 tuổi) chỉnh số liệu kết quả kinh doanh từ lỗ 18 tỷ đồng thành lãi hơn 2 tỷ, sau đó làm hồ sơ vay 120 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Cần Thơ - VCB Cần Thơ. Trừ tài sản thế chấp, Long chiếm đoạt ngân hàng này hơn 72 tỷ đồng.

Tương tự, Long vay của Ngân hàng BIDV Cần Thơ 80 tỷ đồng nhưng chỉ trả được một nửa.

Không được các ngân hàng ở miền Tây cho vay nữa, Long chuyển lên TP HCM thành lập 2 công ty TNHH MTV viễn thông Mê Kông và CP viễn thông Mê Kông. Anh ta tiếp tục dùng pháp nhân công ty vay tiền của các ngân hàng.

Để có tài sản thế chấp, Long móc nối với Nguyễn Hải An - chủ dự án chung cư cao cấp ở quận 2 - làm hồ sơ mua giả tạo 40 căn hộ (đã được bán cho khách hàng). Bằng hồ sơ này, Long đã ký nhiều hợp đồng vay rồi chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam chi nhánh Sài Gòn gần 44 tỷ đồng và Techcombank chi nhánh HCM gần 250 tỷ.

Liên quan đến hành vi của Long, cơ quan điều tra xác định, các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ ngân hàng đã không làm đúng các thủ tục kiểm tra, thẩm định tài sản thế chấp, nhận các hợp đồng mua bán căn hộ khống để làm tài sản bảo đảm gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Là người đóng vai trò giúp sức cho Long, Nguyễn Hải An đã bỏ trốn, công an đang truy nã.

Hồi tháng 2, TAND TP HCM đã đưa vụ án ra xét xử. Khi trả lời thẩm vấn, Long nói rằng đã đưa cho một điều tra viên 71.000 USD để chạy án; bị cáo Nhân kêu oan. Cùng với nhiều tình tiết khác chưa được làm rõ, HĐXX đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Tuy nhiên, việc Long tố điều tra viên nhận hối lộ được cho là không có cơ sở. Còn Nhân không được hưởng lợi, không biết động cơ của Long khi điều chỉnh số liệu công ty để vay tiền nên không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009)

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: 

a) Có tổ chức; 

b) Có tính chất chuyên nghiệp; 

c) Tái phạm nguy hiểm; 

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; 

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: 

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: 

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; 

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

HẠNH VŨ (Tổng hợp)

Xem thêm video tại đây:

Nguồn: tinnhanhonline.vn

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật



http://ift.tt/29osiNO

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.