Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Nữ quái "đội lốt" người tốt, dụ dỗ trẻ em, chiếm đoạt tài sản| Luật BRAVOLAW


(ĐSPL) - Đóng giả là người quen, Thùy dùng xe chở em Nhựt đi chơi và lừa lấy chiếc điện thoại em cầm trên tay.

Theo báo Công lý, ngày 23/11, thông tin từ Công an huyện Ba Tri (Bến Tre) cho biết, đã bắt giữ đối tượng Phạm Thị Thùy (SN 1974, ngụ xã An Ngãi Tây, huyện Ba Tri, Bến Tre) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nữ quái Phóng to

Đối tượng Thùy bị cơ quan chức năng bắt giữ - Ảnh: báo CAND

Báo Công an nhân dân thông tin, trưa 22/11, Thuỳ chạy xe máy từ huyện Ba Tri đến huyện Bình Đại. Khi đến khu vực ngụ ấp Bình Chiến (thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại), Thuỳ thấy em Kim Võ Quang Nhựt (8 tuổi) trên tay cầm điện thoại di động nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt. Thùy dừng xe, đến gặp em Nhựt và nói là bạn của mẹ nhờ đến chở em đi chơi. 

Tin lời, em Nhựt đồng ý lên xe và được Thùy chở đến một quán nước ở xã Tân Xuân (huyện Ba Tri). Tại đây Thùy nói mượn điện thoại của em Nhựt, có việc đi một lúc sẽ trở lại và kêu em ngồi chờ tại quán. 

Lấy được điện thoại, Thùy bỏ trốn. Thấy con mình mất tích, gia đình bé Nhựt trình báo cơ quan Công an.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngay trong ngày, Công an huyện Ba Tri phối hợp công an huyện Bình Đại đã truy bắt được Thùy, đối tượng đang ẩn náu tại nhà trọ Trúc Phương (xã An Ngãi Tây, huyện Ba Tri). Ngay sau đó, em Nhựt cũng được tìm thấy tại cầu Tân Hòa (xã Tân Xuân).

Qua điều tra, năm 2008, cũng bằng thủ đoạn tương tự, Thùy đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo lấy tài sản của học sinh và bị TAND huyện Giồng Trôm xử phạt 8 năm tù. Thuỳ chấp hành án phạt tù xong vào tháng 5/2016 thì tái phạm.

Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009)

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: 
a) Có tổ chức; 
b) Có tính chất chuyên nghiệp; 
c) Tái phạm nguy hiểm; 
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; 
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: 
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: 
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; 
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

HẠNH VŨ (Tổng hợp)

Xem thêm video tại đây:

Nguồn: tinnhanhonline.vn

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

#chim

http://ift.tt/29osiNO

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.