Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Bóc gỡ đường dây lừa đảo xin việc vào bệnh viện "siêu khủng" ở Nghệ An| Luật BRAVOLAW


(ĐSPL) - CQĐT Công an tỉnh Nghệ An vừa mới bóc gỡ một đường dây chạy việc vào bệnh viện quy mô lớn, khởi tố hai nữ quái về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Lộ đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản núp bóng chạy việc

Thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46), Công an tỉnh Nghệ An liên tục nhận được đơn trình báo của các nạn nhân về việc họ bị bà Trần Thị Phượng (54 tuổi), trú tại Hưng Bình, TP Vinh (Nghệ An) lừa chạy việc vào các bệnh viện trên địa bàn Nghệ An.

Theo đơn trình báo, bà Phượng đã nhận hàng trăm triệu đồng của các nạn nhân, qua nhiều năm mà vẫn không thể xin được việc. Khi người dân đến hỏi và đòi tiền lại, đối tượng  không trả và hết hứa hẹn này đến hứa hẹn khác, khiến mọi người bức xúc.

Bóc gỡ đường dây lừa đảo xin việc vào bệnh viện Phóng to

Đối tượng Trần Thị Phượng tại CQĐT. Ảnh do cơ quan công an cung cấp.

Theo ông T.V.T. trú tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), tháng 2/2105, gia đình ông đã giao 210 triệu đồng cho bà Trần Thị Phượng trú tại TP Vinh để nhờ “chạy” việc cho con gái mình. Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc làm không xin được mà nhiều lần đòi lại tiền bà Phượng cũng không trả.

Bức xúc trước lời hứa hẹn trên, gia đình ông T. đã làm đơn trình báo với cơ quan chức năng tố cáo hành vi của bà Phượng.

Nhận được đơn trình báo, xác định mức độ nghiêm trọng của vụ việc, PC46, Công an tỉnh Nghệ An đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh.

Qua tìm hiểu, được biết, với lời nói đường mật, dễ nghe và luôn “nổ” quan hệ rộng, thân thiết với nhiều lãnh đạo bệnh viện và ngành y trên địa bàn Nghệ An, Phượng đã hứa hẹn với nhiều gia đình có con học ngành y mới ra trường để xin việc.

Không những thế, bà Phượng "nổ" từng làm cán bộ nằm trong ban quản lý dự án của một bệnh viện tại Nghệ An; việc này càng làm cho nhiều người thêm phần tin tưởng nên đã không ngần ngại giao tiền và nhờ cậy xin việc.

Thế nhưng, chờ mãi không thấy kết quả nhiều người mới biết mình đã bị lừa nên đồng loạt làm đơn gửi lên cơ quan công an.

Sau quá trình điều tra, thu thập tài liệu, Phòng PC46, Công an tỉnh Nghệ An đã xác lập chuyên án mang bí số 1016D để đấu tranh làm rõ hành vi của đường dây lừa đảo xin việc vào các bệnh viện trên địa bàn Nghệ An.

Khám xét khẩn cấp và bắt nóng đối tượng cầm đầu

Qua quá trình điều tra theo dõi, các đối tượng trong đường dây lừa đảo “chạy” việc lần lượt lộ diện.

Ngày 26/10, Phòng PC46, Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp và tạm giữ đối tượng Trần Thị Phượng để phục vụ công tác điều tra. Sau đó không lâu, 2 đối tượng khác trong đường dây là Thái Thị Lan và Nguyễn Thị Hằng đều trú tại TP Vinh cũng đã đến cơ quan công an đầu thú.

Lực lượng chức năng tiến hành khám xét nhà và bắt đối tượng để phục vụ công tác điều tra. Ảnh do cơ quan công an cung cấp.

Tại CQĐT, các đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Theo đó, từ năm 2012 đến 2016, các đối tượng đã nhận hồ sơ xin việc của hơn 60 trường hợp, mỗi người từ 150 - 300 triệu đồng để xin việc vào các bệnh viện trên địa bàn Nghệ An. Tổng số tiền thu để “chạy việc” lên đến trên 10 tỷ đồng.

Theo Phượng khai nhận, lợi dụng nhu cầu xin việc làm của nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành y, thị đã nói với mọi người mình có khả năng xin được việc làm tại các bệnh viện trong tỉnh. Sau khi nhận tiền, thị chuyển hồ sơ và một phần tiền cho Thái Thị Lan và Nguyễn Thị Hằng để “chạy” việc.

Tính đến thời điểm trước khi bị bắt, số tiền mà thị chiếm giữ là khoảng 3 tỷ đồng, Thái Thị Lan chiếm giữ gần 7 tỷ đồng.

Trước đó, Nguyễn Thị Hằng đã trả lại toàn bộ số tiền chạy việc cho Lan và người này đã nộp lại cho công an số tiền gần 7 tỷ đồng. Cả hai hiện đang được tại ngoại.

Sau khi củng cố hồ sơ, tài liệu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố hai đối tượng Trần Thị Phượng và Thái Thị Lan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trao đổi với PV, Thượng tá Đặng Văn Hoạt - Phó Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ cho biết, Phòng PC46 đã khởi tố vụ án hình sự số 08 về tội lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. Đây là vụ án lừa đảo xin việc vào các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có quy mô lớn, nhiều nạn nhân trong đường dây này là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con cái chưa có việc làm và mong muốn sớm có công việc ổn định.

"Tới thời điểm này, có khoảng 20 người là nạn nhân của các đối tượng trên đến trình báo với cơ quan chức năng. Chúng tôi đã và đang đề nghị những gia đình nào từng đưa tiền cho các đối tượng Trần Thị Phượng, Thái Thị Lan và Nguyễn Thị Hằng để nhờ xin việc thì nhanh chóng đến CQĐT Công an tỉnh Nghệ An trình báo, cung cấp tài liệu, chứng cứ để phục vụ công tác điều tra" - Thượng tá Đặng Văn Hoạt cho biết thêm.

Hiện, vụ việc đang được Phòng PC46 Công an tỉnh Nghệ An mở rộng điều tra làm rõ và củng cố hồ sơ, sớm xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật.

Điều 139 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định cụ thể về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

NGỌC TUẤN

Xem thêm video:

Nguồn: tinnhanhonline.vn

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

#khng

http://ift.tt/29osiNO

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.