Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

Bác sĩ "rởm" lừa 7,2 tỷ nhờ ... "diễn kịch'' ở bệnh viện| Luật BRAVOLAW


(ĐSPL) - Mặc áo blu trắng, đeo biển hiệu công chức và hẹn gặp các nạn nhân ở hành lang bệnh viện, hai nữ quái đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền tỷ của 40 người.

Báo Tri thức trực tuyến thông tin, ngày 16/11, TAND Hà Nội đưa Lê Thị Bích Hạnh (33 tuổi) và Vương Thúy Nga (41 tuổi) cùng ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) ra xử tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bác sĩ Phóng to

Hai bị cáo tại tòa - Ảnh: báo Vnexpress

Theo báo Vnexpress, vốn không có nghề nghiệp ổn định nhưng Hạnh và Nga luôn miệng nói có quan hệ với nhiều người công tác tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội, để lừa đảo.

Các bị cáo thông tin có khả năng "chạy" việc vào các cơ sở y tế để chiếm đoạt tiền. Hạnh và Nga thu của các cá nhân muốn xin việc từ 230 triệu đến 350 triệu đồng. 

Từ tháng 6/2012 đến tháng 10/2014, Hạnh và Nga đã chiếm đoạt hơn 7,2 tỷ đồng của 40 bị hại. Nga bị xác định ngoài một mình chiếm đoạt 900 triệu đồng, còn giúp sức cho Hạnh lừa 1,3 tỷ.

Một trong các bị hại của Nga và Hạnh là người đàn ông trung niên ở huyện Thường Tín, đã đưa 350 triệu đồng để lo cho con trai vào làm điều dưỡng viên một bệnh viện lớn. Theo chỉ dẫn, người đàn ông này đến gặp Nga ở một bệnh viện, và cô ta mặc áo blouse, đeo biển hiệu công chức. 

Sau một hồi được Nga dẫn đi loanh quanh trong bệnh viện, ông này "tình cờ" gặp Hạnh ở ngoài hành lang một khoa chuyên môn. Tuy nhiên, sau nhiều tháng không thấy con trai được nhận việc, nạn nhân đã tố cáo hành vi của các nữ quái.

Trước tòa, Hạnh và Nga khai, thủ đoạn trên được các bị cáo lên kế hoạch tỉ mỉ nhằm tạo tin tưởng với người xin việc. Để kịch bản lừa đảo thành công, cả hai nghiên cứu kỹ địa điểm, khu vực, khoa chuyên môn của bệnh viện.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt Hạnh 15 năm tù, Nga 12 năm cùng tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ năm 2009) quy định về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: 

a) Có tổ chức; 

b) Có tính chất chuyên nghiệp; 

c) Tái phạm nguy hiểm; 

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; 

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: 

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: 

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; 

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

PHƯƠNG ANH (Tổng hợp)

Xem thêm video tại đây:

Nguồn: tinnhanhonline.vn

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật



http://ift.tt/29osiNO

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.