Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

"Bà trùm" cùng 2 em ruột làm giả 45.000 hộp thực phẩm chức năng | Luật BRAVOLAW


(ĐSPL) - Ly lôi kéo cả hai người em trai vào đường dây làm giả thực phẩm chức năng vì ... hám lời. 

Theo báo Tiền Phong, hôm nay (21/11), TAND TP.HCM đã xét xử và tuyên phạt Trần Thị Thanh Ly, sinh năm 1980, 8 năm tù; Trần Thanh Luận 3 năm 6 tháng tù và Trần Thanh Long 2 năm tù - Luận, Long là em ruột Ly, tất cả cùng ngụ huyện Cần Giờ - cùng tội danh "Sản xuất, buôn bán hàng giả".

Phóng to

Ba bị cáo tại phiên xử sáng ngày 21/11 - Ảnh: báo Infonet

Báo Infonet thông tin, vào 10h30’ ngày 14/1/2015 Đội cảnh sát Kinh tế Công an Quận 7 phát hiện một xe máy chở theo hai thùng hàng không có hóa đơn chứng từ nên yêu cầu dừng lại kiểm tra. Theo lái xe, số hàng trên được lấy tại hai căn nhà của Ly, Luận và Long tại Quận 7 để giao cho khách.

Kiểm tra hai căn nhà này sau đó, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 45.000 hộp thực phẩm chức năng thuộc hàng chục nhãn hàng như: Sắc Ngọc Khang, Angela, Alipas, Viên giải rượu XO… tất cả đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc và giấy chứng nhận chất lượng theo quy định.

Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định Ly là chủ hàng, chịu trách nhiệm quản lý chung, liên lạc mua nguyên liệu, dụng cụ để sản xuất và khách hàng phân phối. Trong khi đó Long và Luận là người quản lý sản xuất và thuê người đi giao hàng.

Để sản xuất thực phẩm chức năng giả, các đối tượng đã thuê hai căn nhà trên và phân chia trách nhiệm quản lý, thuê nhân viên. Khai nhận sau đó Luận cho biết tất cả hàng hóa bị công an Quận 7 thu giữ đều là hàng giả.

Điều 156. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009)

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e)  Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

g)  Thu lợi bất chính lớn;

h)  Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền  từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

PHƯƠNG ANH (Tổng hợp)

Xem thêm video tại đây:


Nguồn: tinnhanhonline.vn

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

#45000

http://ift.tt/29osiNO

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.